
Năm 2023 vừa qua mình đã tham gia TNV bảo tồn rùa biển tại Côn Đảo. Sau những bài viết chia sẻ về 12 ngày tham gia chương trình, nhiều bạn hỏi mình cách đăng ký tham gia thế nào, có khó không, có cần phỏng vấn hay người giới thiệu không? Bài viết này mình sẽ hướng dẫn mọi người chi tiết cách đăng ký chương trình TNV rùa biển tại Côn Đảo và mẹo để trúng tuyển “không trượt phát nào”
Mục lục
Giới thiệu Chương trình Tình Nguyện Viên (TNV) bảo tồn rùa biển VQG Côn Đảo
Chương trình TNV bảo tồn rùa biển Côn Đảo do IUCN (viết tắt của International Union for Conservation of Nature) – Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên phối hợp với VQG Côn Đảo thực hiện, bắt đầu từ năm 2014.
Mùa rùa biển đẻ trứng bắt đầu từ tháng 4 – tháng 10 hàng năm, cao điểm sẽ rơi vào tháng 5 – tháng 9. Và IUCN sẽ thông báo tuyển tình nguyện viên trong tháng 5. Các bạn theo dõi trên fanpage IUCN Việt Nam hoặc website IUCN Việt Nam để nhận thông báo tuyển TNV nhé!
Chương trình bảo tồn rùa biển tại Côn Đảo
Vùng biển Côn Đảo là sinh cảnh đẻ trứng của Rùa Xanh (hay còn gọi là Vích) (Chelonia mydas) và Đồi mồi (Eretmochelys imbricata). Tại Vườn quốc gia Côn Đảo có 18 bãi biển có Rùa lên đẻ trứng với tổng diện tích các bãi đẻ trên hàng chục ngàn m2. Một số bãi đẻ của rùa có diện tích lớn và số lượng rùa mẹ lên đẻ nhiều như bãi Cát Lớn hòn Bảy Cạnh, bãi Cát Lớn hòn Cau, bãi Cát Lớn hòn Tre Lớn, bãi Dương hòn Bảy Cạnh, bãi cát Hòn Tài. 05 bãi này được bố trí 05 Trạm kiểm lâm để làm nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn rùa biển.
Mỗi Trạm kiểm lâm có từ 03 – 08 kiểm lâm viên. Hằng năm từ tháng 4 đến tháng 11 có trên 600 rùa mẹ lên các bãi cát thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo để làm tổ, đẻ trứng, có trên 150.000 rùa con được cứu hộ và thả về biển, tỷ lệ trứng nở thành công đạt đến 87%. Vào mùa cao điểm, một số bãi biển ở hòn Bảy Cạnh, hòn Tre lớn, mỗi đêm có 10 – 20 rùa mẹ lên làm tổ.
Mục tiêu của Chương trình TNV Bảo Tồn Rùa Biển Côn Đảo
- Nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị và tầm quan trọng của bảo tồn biển, bảo tồn rùa biển thông qua việc tham gia vào công tác bảo vệ rùa biển tại các bãi đẻ tại VQG Côn Đảo, hỗ trợ Ban quản lý VQG Côn Đảo trong thực hiện nhiệm vụ bảo tồn rùa biển;
- Xây dựng, đào tạo đội ngũ tình nguyện viên có hiểu biết và kỹ năng, có thể giúp đỡ chuyên môn tại các khu bảo tồn biển (KBTB), VQG trong công tác bảo tồn rùa biển;
- Tăng cường năng lực cho các KBTB, VQG về các hoạt động truyền thông;
- Đóng góp kỹ năng, tham gia tích cực vào hoạt động truyền thông bảo vệ môi trường biển nói chung và rùa biển nói riêng;
- Trở thành sứ giả đại dương cùng đồng hành với các VQG, KBTB và các tổ chức bảo vệ môi trường.
Điều kiện để trở thành TNV bảo tồn rùa biển là gì?
- Độ tuổi: 22-45 tuổi
- Có quan tâm đến các hoạt động bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và động vật hoang dã trong đó có rùa biển.
- Có đầy đủ các điều kiện về thời gian: 12 ngày tham gia chương trình
- Sức khỏe: mình nghĩ chỉ cần sức khỏe bình thường, không bệnh tật, ưa vận động là có thể tham gia. Trong chương trình thì sẽ thức đêm canh rùa (ca đầu từ 19h đến 23h, ca 2 từ 3h đến 6h sáng và có thể thay đổi, có vài đêm thức trắng nữa). Nên các bạn cân nhắc đăng ký, cũng có nhiều bạn không thể tham gia hết chương trình vì chịu không nổi. Nhưng chỉ cần cố gắng và có sự hỗ trợ của các thành viên thì có thể chia ca và mọi người có thể được ngủ (nhưng không thể đảm bảo ngủ 8h/ngày đâu nhé)
- Tài chính: Chi phí cho các bạn tham khảo trong 12 ngày gồm đi lại xuất phát từ Tp HCM, ăn uống là khoảng 2.5 triệu. Các bạn đi máy bay có thể khoảng 3.7 triệu. Những nơi khác các bạn cộng thêm chi phí di chuyển nhé. (Tiền ăn 10 ngày ở tại Hòn Bảy Cạnh là 1 triệu, mình đã cộng vào tổng chi phí rồi). Ngoài ra có thêm phí khám sức khỏe để nộp hồ sơ khoảng 160.000 đ nữa nhé.
- Bắt buộc có bảo hiểm y tế (khuyến khích mua thêm bảo hiểm du lịch)
- Giới tính: mặc dù BTC sẽ tuyển cả nam và nữ nhưng bản thân mình thấy hoạt động này thích hợp cho nam hơn và nếu được sắp xếp nhân sự mình sẽ chọn tỉ lệ nam – nữ là 65% – 35%.
- Có cần biết bơi để tham gia TNV bảo tồn rùa biển hay không? Câu trả lời sau khi mình tham gia thực tế là không. Vì tất cả những hoạt động của chương trình đều trên bờ, không yêu cầu xuống biển. Tuy nhiên, do gần biển, và các bạn TNV hay tắm biển nên biết bơi sẽ giúp bạn có trải nghiệm thú vị và an toàn hơn.
Nếu bạn cảm thấy phù hợp thì tiến hành đăng ký tham gia Chương trình Tình Nguyện Viên (TNV) bảo tồn rùa biển tại Côn Đảo thôi. Bước đăng ký duy nhất là điền vào Biểu mẫu đăng ký (form) là xong, không cần phỏng vấn, không cần người giới thiệu hay gì thêm nữa nhé. Nếu đáp ứng tiêu chuẩn và may mắn thì bạn sẽ nhận được email thông báo của IUCN. Mình sẽ hướng dẫn chi tiết từng phần, có nội dung tham khảo để giúp bạn tăng tỷ lệ trúng tuyển nhé.
Các bước đăng ký TNV Bảo Tồn Rùa Biển
1. Tóm tắt thông tin cá nhân
– Các bước này thì bạn có sao ghi vậy, thông tin cung cấp như Họ và tên, Giới tính, Ngày sinh, Đơn vi công tác, Điện thoại di động, địa chỉ, CCCD, chiều cao, cân nặng, nhóm máu, người thân liên hệ…
– Sâu hơn nữa bạn sẽ cung cấp về Khả năng bơi lội, Trình độ tiếng Anh, Khả năng teamwork, Sở thích và năng khiếu
– BTC xác nhận là ưu tiên cho những bạn TNV cũ hoặc những bạn đăng ký nhiều lần mà chưa được chọn. Nên các bạn chưa trúng tuyển mấy lần trước cứ kiên trì nhé!
Những câu hỏi quan trọng hơn:
– Vì sao bạn muốn tham gia chương trình tình nguyện này?
– Kể lại những việc bạn đã làm trong ngày cộng đồng/tình nguyện về môi trường
– Bạn đã từng trải nghiệm cuộc sống trong rừng, trên các đảo hay những nơi khó khăn và thiếu thốn như thiếu nước ngọt, thiếu điện, không có sóng điện thoại, nhiều côn trùng (bù mắt)…vv ? Nếu có, xin kể lại ngắn gọn những trải nghiệm đó. Nếu chưa, bạn nghĩ mình có đủ khả năng sinh tồn trong những hoàn cảnh đó không? (Khả năng nấu ăn là một lợi thế)
Nhân câu hỏi này mình cũng nói qua về điều kiện sinh hoạt tại Hòn Bảy Cạnh cho các bạn nắm rõ, tại Hòn Bảy Cạnh các TNV sẽ sinh hoạt tại Trạm kiểm lâm, tại đây trữ nước mưa trong những bồn lớn để sử dung, dùng điện năng lượng mặt trời (thỉnh thoảng trời mây là mất điện, có thể kéo theo mất nước vì không chạy được máy bơm). Từ năm 2023 thì trạm đã có sóng điện thoại Viettel. Còn Mobi hay Vina thì không có sóng. Côn trùng (bù mắt) thì tùy người mà cảm nhận (do nhóm máu, mùi cơ thể, nhân phẩm chăng…) Mình thì không dùng kem chống muỗi/côn trùng hay mang theo thuốc gì cả. Muỗi thì sẽ có, còn côn trùng thì mình không bị ảnh hưởng. Nhưng cũng có vài bạn trong nhóm bị chích, da nổi đỏ nhé. Còn đây là phần trả lời của mình
Xong thông tin cá nhân, bạn sẽ chuyển qua phần kiến thức về rùa biển
Để trả lời đúng những câu hỏi này, ngoài kiến thức sẵn có, hỏi chị Google thì bạn có thể xem trong bí kíp 101 câu hỏi về rùa biển
2. Tìm hiểu về Rùa biển
Những câu hỏi và câu trả lời đúng về thông tin rùa biển trong đợt đăng ký của mình:
1. Vì sao phải gắn thẻ cho rùa biển?
– Đường di cư – kiếm ăn của rùa
2. Thời gian giữa hai lần đẻ trứng trong một mùa của rùa biển?
– 2 tuần
3. Tỷ lệ sống sót của rùa non đến tuổi trưởng thành?
– 1/1000
4. Rùa biển đẻ trứng bao nhiêu lần trong một mùa sinh sản?
– 2 – 3 lần
5. Rùa biển đào hố đẻ trứng ở độ sâu khoảng bao nhiêu?
– 40-60cm
6. Những yếu tố nào ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công trong quá trình nở trứng của rùa biển?
– Nhiệt độ môi trường
– Sự xâm nhập của động vật săn mồi, nấm mốc, vi khuẩn
– Độ ẩm
7. Những yếu tố nào ảnh hưởng đến tỷ lệ giới tính của rùa con?
– Nhiệt độ trong quá trình ủ trứng
8. Mỗi một tổ trứng rùa biển thường có bao nhiêu quả trứng?
– 50 – 150 quả
9. Những hành vi nào sau đây là vi phạm pháp luật?
– Rùa bị mắc lưới, còn sống nên mang vào bờ nuôi nhốt
– Rùa biển bị mắc lưới và chết trong lưới nên giết thịt
– Đánh bắt rùa biển ở vùng biển nước ngoài
10. Có thể nuôi rùa biển trong bể để bảo vệ chúng được không?
– Không
Hi vọng đợt tới các bạn cũng sẽ trúng tủ những câu này.
Sau phần kiến thức về rùa, sẽ chuyển qua phần 3, mình nghĩ phần này quan trọng trong việc bạn được trúng tuyển chương trình TNV rùa biển Côn Đảo hay không. Đó là phần 3. Kế hoạch truyền thông/gây quỹ
3. Kế hoạch truyền thông/gây quỹ
1. Sau khi tham gia chương trình, Ban tổ chức hy vọng mỗi TNV sẽ là một tuyên truyền viên tích cực về bảo tồn rùa biển tại cộng đồng của mình. Xin mô tả kế hoạch truyền thông/gây quỹ bạn/nhóm của bạn dự định thực hiện sau khi tham gia chương trình?
Và đây là câu trả lời của mình
2. Xin nêu cụ thể hơn các hoạt động dự kiến cho hoạt động truyền thông/ gây quỹ dự kiến hỗ trợ cho công tác bảo tồn biển, rùa biển mà bạn dự kiến làm sau khi tham gia chương trình TNV này (hoạt động mà bạn/nhóm của bạn đã lựa chọn ở mục trên)
Cho đến thời điểm hiện tại, sau 10 ngày kết thúc chương trình, mình đã có:
– 1 bài về Hành trình của TNV trên báo Pháp Luật: https://plo.vn/hanh-trinh-ho-tong-rua-con-ve-voi-bien-post741072.html
– 1 chiến dịch gây quỹ bảo tồn rùa biển: https://thiennguyen.app/donate-target/1677648317116329984
– 3 bài viết về chương trình TNV rùa biển trên Facebook cá nhân: https://www.facebook.com/media/set/?vanity=quannguyenphat&set=a.6071077909667485
Xem như cũng gần hoàn thành cam kết với chương trình rồi.
Mình nghĩ những kế hoạch truyền thông/gây quỹ này sẽ là tiêu chí quan trọng để bạn được trúng tuyển hay không. Tuy nhiên, không nên vì muốn trúng tuyển là “hứa thật nhiều, thất hứa thì cũng thật nhiều”. Bạn nên tùy theo khả năng mà có những kế hoạch truyền thông/gây quỹ phù hợp.
Hiện tại mình cũng đang thực hiện nhiều chiến dịch truyền thông, gây quỹ bảo tồn rùa biển. Nếu bạn nào cùng mối quan tâm thì có thể kết hợp với mình nhé
Phần cuối trong form đăng ký TNV Rùa Biển Côn Đảo là
4. Thông tin khác
Bạn có khả năng chụp ảnh, làm phim, viết báo, vẽ tranh hay gây quỹ cho các hoạt động bảo vệ môi trường không? Xin nêu cụ thể chương trình truyền thông/gây quỹ dự kiến hỗ trợ cho công tác bảo tồn biển, rùa biển
Và câu trả lời của mình
– Chụp ảnh + viết câu chuyện về hoạt động – Tham khảo https://www.facebook.com/media/set/?set=a.5401597086615574&type=3
– Liên hệ đăng báo về hoạt động tình nguyện – tham khảo https://plo.vn/chang-trai-rong-ruoi-xuyen-viet-de-lam-tinh-nguyen-vien-post712911.html
– Mở chiến dịch gây quỹ – tham khảo https://thiennguyen.app/donate-target/1605923308673433600
Ngoài những khả năng trên, mình thấy với những bạn có lượt theo dõi nhiều trên mạng xã hội cũng sẽ là điểm cộng với BTC.
Sau cùng, bạn nào tâm huyết muốn tham gia hãy thử viết thêm vào phần cuối cùng của form nhé
Xong rồi, vậy là đã hoàn tất thông tin đăng ký Chương trình TNV bảo tồn rùa biển Côn Đảo. Hãy dành thời gian và tâm trí để trả lời những câu hỏi đăng ký, mình tin với quyết tâm + những kinh nghiệm mình chia sẻ, bạn đã bước 1 chân vào hành trình bảo tồn rùa biển tại Côn Đảo rồi.
Nếu có thắc mắc hãy liên hệ với mình qua Facebook nhé!
https://www.facebook.com/quannguyenphat